- Bắt đầu: 15/04/2018 08:00
- Kết thúc: 15/04/2018 17:00
- Địa điểm: Đại học Xây dựng Hà Nội
- Lượt xem: 1548
Tham dự buổi lễ, có: Ông Doãn Hồng Hà - Phó Vụ trưởng Vụ giáo dục Chính trị và Công tác HSSV; TS. Phan Tùng Mậu - Phó Chủ tịch, Chủ nhiệm UBKT, Liên hiệp các Hội KHKT Việt Nam; GS. TSKH Nguyễn Tiến Khiêm - Chủ tịch Hội Cơ học Việt Nam; GS.TS Đinh Văn Phong - Phó Chủ tịch Hội Cơ học Việt Nam; GS.TS Trần Ích Thịnh - Phó Chủ tịch Hội Cơ học Việt Nam; PGS.TS Nguyễn Đăng Tộ - Phó Chủ tịch Hội Cơ học Việt Nam, Trưởng ban tổ chức; GS.TSKH Đỗ Sanh - Nguyên Phó Chủ tịch Hội Cơ học Việt Nam; Phó ban tổ chức; PGS.TS Phạm Xuân Anh – Phó Bí thư Đảng ủy, Phó Hiệu trưởng Trường ĐHXD, Phó trưởng Ban tổ chức Olympic Cơ học toàn quốc năm 2018; đại diện các trường tham gia Olympic Cơ học Toàn quốc lần thứ 30 năm 2018, các thầy cô, các thí sinh tham dự kỳ thi Olympic Cơ học toàn quốc 2018.
Năm 2018, Olympic Cơ học toàn quốc lần thứ 30 đã diễn ra vào ngày 15/04/2018 tại 3 địa điểm: Trường Đại học Xây dựng (khu vực miền Bắc); Trường Đại học Bách khoa – Đại học Đà Nẵng (khu vực miền Trung); Trường Đại học Mở Thành phố Hồ Chí Minh (khu vực miền Nam) với 1262 thí sinh của 39 trường đại học, học viện trên khắp cả nước.
Thí sinh tham gia thi Olympic với 12 môn thi: Cơ học kỹ thuật; Sức bền vật liệu; Cơ học kết cấu; Thủy lực; Cơ học đất, Nguyên lý máy; Chi tiết máy; Ứng dụng tin học trong Cơ học kỹ thuật; Ứng dụng tin học trong Nguyên lý máy; Ứng dụng tin học trong Chi tiết máy; Ứng dụng tin học trong Sức bền vật liệu; Ứng dụng tin học trong Cơ học kết cấu.
Trong hai ngày 21 và 22/4/2018, tại Trường Đại học Xây dựng, Ban Giám khảo gồm các thầy/cô giáo, các nhà cơ học hàng đầu đã rất nhiệt tình, công minh, khách quan trong việc chấm thi và đã chọn ra được 241 giải cá nhân (chiếm 19%) bao gồm: 15 giải Nhất (1,2%), 75 giải Nhì (6%), 151 giải Ba (12%) và 465 giải Khuyến khích. Có 42 giải Đồng đội gồm: 12 giải Nhất, 12 giải Nhì và 18 giải Ba. Đặc biệt, trong số 15 giải Nhất có 02 sinh viên được nhận giải thưởng Qũy tài năng cơ học Nguyễn Văn Đạo.
PGS.TS Nguyễn Đăng Tộ - Phó Chủ tịch Hội Cơ học Việt Nam, Trưởng ban tổ chức tổng kết giải
Ban tổ chức trao giải Nhất cá nhân cho các thí sinh
Ban tổ chức trao giải Nhì cá nhân cho các thí sinh
Ban tổ chức trao giải Nhất đồng đội
Ban tổ chức trao giải Nhì đồng đội
GS.TSKH Nguyễn Tiến Khiêm - Chủ tịch Hội Cơ học trao giải thưởng Qũy tài năng cơ học Nguyễn Văn Đạo cho 02 sinh viên
Nghi thức trao cờ đăng cai tổ chức Olympic Cơ học toàn quốc lần thứ 31 năm 2019 của Trường Đại học Xây dựng cho Trường Đại học Bách Khoa Hà Nội
PGS.TS Phạm Tùng Mậu - Phó Chủ tịch Hội Cơ học trao bằng khen cho hai đơn vị đăng cai
PGS.TS Nguyễn Đăng Tộ - Phó Chủ tịch Hội Cơ học Việt Nam, Trưởng ban tổ chức Olympic Cơ học toàn quốc năm 2018 trao chứng nhận cho các đơn vị tài trợ (ATCO, CMAXX, CDC, CONINCO)
Phát biểu tại buổi lễ, PGS.TS Phạm Xuân Anh – Phó Bí thư Đảng ủy, Phó Hiệu trưởng Trường ĐHXD thay mặt toàn thể cán bộ, giảng viên và sinh viên Trường ĐHXD chúc mừng 16 đoàn sinh viên của các trường Đại học, Cao đẳng đến tham dự lễ tổng kết và trao giải thưởng Olympic Cơ học toàn quốc lần thứ 30. PGS.TS Phạm Xuân Anh nhấn mạnh Olympic Cơ học thực sự là sân chơi bổ ích không chỉ cho những sinh viên yêu thích Cơ học mà đã trở thành hoạt động trọng tâm, nơi khởi nguồn, lan tỏa tinh thần học tập của sinh viên trong các trường Đại học. Cuộc thi góp phần đẩy mạnh phong trào học tập, nghiên cứu nhằm nâng cao chất lượng đào tạo của các nhà trường. Từ Olympic cơ học giúp các cơ sở GDĐT phát hiện, bồi dưỡng và khuyến khích các tài năng trẻ từ đam mê cơ học phát triển, trở thành các cán bộ KHKT của các lĩnh vực chuyên ngành.
PGS.TS Phạm Xuân Anh – Phó Bí thư Đảng ủy, Phó Hiệu trưởng Trường ĐHXD phát biểu tại buổi lễ
Trường Đại học Xây dựng - Đơn vị đăng cai tổ chức Hội thi Olympic Cơ học toàn quốc lần thứ XXX, năm 2018 có tổng số 124 thí sinh tham gia thi Olympic Cơ học toàn quốc đã giành 84 giải, trong đó có 3 giải Nhất, 13 giải Nhì, 22 giải Ba và 46 giải Khuyến Khích, đạt giải Nhì toàn đoàn. Là một trong số rất ít nữ thí sinh tham gia cuộc thi Olympic Cơ học, em Mai Thị Thùy - Sinh viên năm thứ 4 của khoa Xây dựng dân dụng và Công nghiệp,Trường ĐHXD đạt giải Nhất của môn thi Cơ kết cấu. Minh Thùy chia sẻ: “Khi tham gia những cuộc thi thế này chúng em luôn cảm thấy mình phải cố gắng tìm hiểu những kiến thức liên quan. Ngoài ra, đây cũng là sân chơi để em biết được khả năng của mình đang ở đâu. Đây là bước đệm lớn để em có kiến thức nền tảng sau khi ra trường làm việc tốt hơn. Mặc dù đối với nữ khi học các môn cơ học có chút khó khăn nhưng lại được ưu ái rất nhiều trong quá trình học tập”.
Trải qua 30 kỳ thi Olympic Cơ học toàn quốc với số lượng môn thi, số lượng trường, số lượng thí sinh tham gia ngày càng tăng. Từ lần đầu tiên – năm 1989, chỉ có 2 môn thi tự luận, có 7 trường với 66 thí sinh tham gia thì đến lần thi thứ 30 năm 2018 có 12 môn thi và có tới 39 trường với 1.262 thí sinh tham gia. Olympic Cơ học đã thực sự là một sân chơi trí tuệ, truyền lửa học tập và nghiên cứu và thực sự là bệ phóng cho các nhà khoa học trẻ. Trải qua 30 năm phát triển, Trường Đại học Xây dựng đứng thứ hai trong tốp 3 trường đại học có thành tích cao nhất với 559 giải Cá nhân, 98 giải Đồng đội (1. Trường Đại học Bách khoa Hà Nội; 2.Trường Đại học Xây dựng; 3. Học viện Kỹ thuật quân sự).
Các nhà khoa học đặt nền móng cho Olympic Cơ học 30 năm qua
Olympic Cơ học là hoạt động thường niên được tiến hành từ năm 1989 do Bộ Giáo dục và Đào tạo, Liên hiệp các Hội khoa học Kỹ thuật Việt Nam, Hội Cơ học Việt Nam và Hội sinh viên Việt Nam đồng tổ chức. Đây là môi trường rèn luyện tốt cho sinh viên, góp phần đẩy mạnh phong trào học tập, nghiên cứu các môn cơ học trong các trường đại học, học viện; đồng thời phát hiện, bồi dưỡng những tài năng trẻ, ứng dụng nhanh khoa học vào thực tiễn, đẩy mạnh sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.
Ban tổ chức và đại diện các trường đại học tham gia Olympic Cơ học toàn quốc lần thứ 30 năm 2018 chụp ảnh lưu niệm
Olympic Cơ học đã có tác dụng động viên phong trào học tập trong sinh viên nhiều trường đã xem Olympic Cơ học toàn quốc như một nhân tố kích thích hoài bão khoa học của sinh viên, đã đáp ứng được mục tiêu phát hiện những sinh viên giỏi về các môn cơ học. Nhiều sinh viên đã phát huy được khả năng qua các kỳ thi Olympic, sau đó được nhà trường, các thầy cô quan tâm tiếp tục bồi dưỡng họ để trở thành những cán bộ khoa học tốt, nhiều người trong số họ hiện đã là tiến sĩ, PGS, thậm chí là GS tại các trường trong và ngoài nước hoặc trở thành các chuyên gia ở nhiều lĩnh vực khác nhau.